Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Chỉ mới khởi động một thời gian ngắn, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển động tích cực tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy , chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân...

2021-11-20 16:08:00.0

Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Chỉ mới khởi động một thời gian ngắn, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển động tích cực tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy , chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân...

 

Hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh đã từng bước được thực hiện những năm gần đây trong nhiều lĩnh vực như: Cải cách hành chính, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, quá trình này thực sự trở thành nội dung “thời sự”, tạo nên chuyển động tích cực đối với các ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của khóa XX ngày 31/12/2020 về chương trình CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Toàn tỉnh, có 1.650 điểm thu phát sóng điện thoại di động, Internet đến 99% số xóm, tổ dân phố, trong đó gần 70% số thuê bao có sử dụng dịch vụ Internet 3G, 4G… Các ngành của tỉnh đã triển khai hiệu quả các hệ thống giải pháp thông minh như: Khám, chữa bệnh từ xa kết nối tuyến xã, huyện, tỉnh và trung ương; nền tảng quản lý và thanh toán phí học phí điện tử; cung cấp 1,7 triệu tem truy suất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; triển khai hệ thống quản lý cây xanh thông minh trên bản đồ số với dữ liệu của 530 nghìn cây xanh…

UBND tỉnh đã triển khai hoàn thiện 10/11 hạng mục của Trung tâm Điều hành thông minh IOC, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng, như: Camera giám sát kết nối với hệ thống giám sát tập trung Quốc gia; giám sát thông tin môi trường mạng; cảnh báo cháy nhanh; phòng họp không giấy tờ; ứng dụng C-ThaiNguyen…

Trong kế hoạch CĐS, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Trước mắt, cần tập trung vào xây dựng chính sách CĐS để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS; thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư vào Khu CNTT tập trung Yên Bình; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tham gia vào CĐS. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ hoàn thiện hạ tầng thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng… phục vụ hoạt động các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác truy cập, sử dụng.

Song song với đó, tỉnh hỗ trợ nguồn lực để các địa phương xây dựng đô thị thông minh, tập trung vào các nội dung: Giao thông thông minh, giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch...

Ứng dụng C-ThaiNguyen (công dân Thái Nguyên) là trung tâm CĐS, phát triển dịch vụ thông minh hỗ trợ cho người dùng, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công ích. Ứng dụng này đồng thời hỗ trợ khẩn cấp và phản ánh toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: Cung cấp các thông tin kinh tế - xã hội; tiếp nhận phản ánh của công dân về các vấn đề của đời sống; tiếp nhận và thực hiện ứng cứu khẩn cấp cho công dân; cung cấp hệ thống thông tin điều hành chính quyền; bản đồ COVID-19...

Thu Hà
Báo Thái Nguyên

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1504779